Trang Thông tin điện tử

xã Quang Thiện - Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 18/05/2024

Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 20/06/2023

Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với các nội dung cốt lõi.

1. TÁC PHẨM CUNG CẤP NHỮNG NHẬN THỨC MỚI VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở VIỆT NAM: 3 VẤN ĐỀ 

Thứ nhấtnhận thức mới về tham nhũng, tiêu cực 

Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Theo Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003: "Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng". Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhận thức mới: Tham nhũng không chỉ về kinh tế, tài sản mà còn tham nhũng cả chính sách, luật pháp. 

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiêu cực" so với "tham nhũng" thì "tiêu cực" có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. 

Tổng Bí thư chỉ rõ: Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. 

Thứ haitác phẩm đưa ra những nhận thức mới về nguy cơ tham nhũng, tiêu cực

Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và chính phủ, là "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm". 

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: tham nhũng "làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước" (Đại hội VI). 

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đến Đại hội IX, Đảng ta xác định tham nhũng đã trở thành "một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta" và đến nay "vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ" (Đại hội XIII). 

Thứ ba, tác phẩm đưa ra những nhận thức mới về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên 7 vấn đề: 

Nhận thức mới về mục tiêu: Mục tiêu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Mục đích của xử lý tham nhũng, tiêu cực là để "trị bệnh cứu người, kỷ luật một người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực".

Nhận thức mới về vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định "đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta hiện nay". Qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Đảng ta nhận thức đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời đề ra yêu cầu phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau hơn 35 năm đổi mới (1986-2021), Đảng ta nhận thức đây là "một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc". 

Nhận thức mới về phạm vi đấu tranh: Đấu tranh không chỉ trong khu vực Nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước. Đặc biệt không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. 

Nhận thức mới về lực lượng: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng. Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân và hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án. 

Nhận thức mới về tư tưởng, phương châm chỉ đạo: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng là chính, cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách, theo "4 Không": không muốn, không thể, không dám, không cần. Trong phát hiện xử lý, thực hiện "5K": không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không nghỉ, không ngừng, không chịu sức ép của bất kỳ sự tác động nào. Thực hiện "3 nhân": Nhân văn, nhân ái, nhân tình. 

Nhận thức mới về phương thức đấu tranh: Khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là "một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược" nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Đòi hỏi "phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại".

Nhận thức mới về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo: Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng đổi mới cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 

Năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu.

2. TÁC PHẨM NÊU 8 BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ THỰC TIỄN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Bài học thứ nhất về ý chí của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu: Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bài học thứ 2 về phương thức tiến hành: Phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.

Bài học thứ 3 về công tác cán bộ: Phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Bài học thứ 4 về kết hợp phòng ngừa với phát hiện và xử lý: Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá. 

Bài học thứ 5 về kiểm soát quyền lực: Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực Nhà nước. Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa"; tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. 

Bài học thứ 6 về các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bài học thứ 7 về gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bài học thứ 8 về lựa chọn các giải pháp: Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.

3. TÁC PHẨM CHỈ RA NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI THAM NHỮNG, TIÊU CỰC THỜI GIAN TỚI 

Thứ nhất, chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp căn bản: Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. 

Thứ hai, tác phẩm chỉ ra 5 vấn đề cần lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải đúng vai, thuộc bài; Hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực; Thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; Tập trung xử lý những khâu yếu, việc khó; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những nội dung cốt lõi trên là cẩm nang để các cấp, các ngành, toàn Đảng, toàn dân vận dụng và thực hiện trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm tới.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 57331

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 112