Trang Thông tin điện tử

xã Quang Thiện - Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 18/05/2024

Nông nghiệp Kim Sơn hướng tới nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ ba, 04/07/2023

Trong bức tranh kinh tế nông nghiệp Kim Sơn những năm gần đây, “bài toán” trồng cây gì, nuôi con gì đã và đang được giải đáp. Với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân, cùng với việc định hướng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ngành chuyên môn, cơ cấu mùa vụ ở Kim Sơn đã có sự thay đổi, cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, ngành nông nghiệp phát triển bền vững và vượt qua khó khăn, thử thách. Điều đó đã được ngành nông nghiệp minh chứng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn của năm 2020.

Cơ giới hóa sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp

 

Năm 2020, Dịch tả lợn Châu Phi tái phát và có diễn biến phức tạp, tính đến ngày 30/12/2020 trên địa bàn huyện đã có 99 hộ chăn nuôi, thuộc 51 thôn, xóm của 11 xã, thị trấn tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 1.068 con, trọng lượng 84.971kg. Dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra vào trung tuần tháng 8/2020 tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Chất Bình, dịch đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các giải pháp khoanh vùng, dập dịch được thực hiện quyết liệt nên dịch bệnh đã được khống chế và tạm lắng, chăn nuôi được duy trì. Cùng với việc tập trung dập dịch, huyện và các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn đã có những định hướng kịp thời để người dân chuyển hướng sang chăn nuôi các con nuôi khác, phần nào bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt và nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Thượng Kiệm là một trong những địa phương tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, xã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi lợn chuyển đổi sang vật nuôi khác nhằm duy trì sản xuất và mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả.

 

Trước những bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, độ mặn nước biển tăng cao, xâm nhập sâu vào các cửa sông xuất hiện nhiều vùng nhiễm mặn cao như Kim Tân, Đồng Phong…lĩnh vực trồng trọt cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ; áp dụng các tiến bộ KHKT hiện đại vào sản xuất đã tạo được hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, cây lúa được xác định là cây trồng chủ lực chiếm phần lớn diện tích trong lĩnh vực trồng trọt, nhưng những năm gần đây diện tích trồng lúa toàn huyện có xu hướng giảm dần, từ 16.652,3 ha năm 2015 xuống còn 16.333 ha năm 2020. Nguyên nhân là do người dân chuyển đổi sang trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. Ngoài ra, giống lúa thuần, lúa chất lượng cao có xu hướng tăng, còn diện tích lúa lai lại giảm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2020, giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp là 175 triệu đồng.

Áp dụng tiến bộ khoa học trong nuôi trồng thủy sản (Ảnh tư liệu)

 

Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình tiếp giáp biển, phát huy lợi thế đó, với tư duy sáng tạo, đổi mới để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người dân nơi đây đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2020, lĩnh vực thủy sản của huyện tiếp tục được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện, với sự phát triển mạnh cả về nuôi trồng, khai thác thủy sản nước ngọt và nước mặn, lợ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chuyển đổi diện tích từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, hình thành một số khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới và kiểm soát tốt dịch bệnh đã góp phần tăng sản lượng thủy sản, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ. Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 4.370,7 ha, trong đó diện tích thủy sản nước ngọt 1.019,5 ha, nuôi thủy sản nước mặn, lợ  3.349,9 ha. Tổng sản lượng ước đạt trên 28.000 tấn. Một hướng đi mới và nổi bật cho vùng kinh tế ven biển Kim Sơn đó là khoảng 3 - 4 năm trở lại đây việc nuôi ngao giống, Hàu giống được nuôi tập trung ở vùng nuôi thủy sản Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và cho thu nhập khá cao, đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Hiện nay, toàn huyện có 350 hộ nuôi tôm, ngao, hàu giống với diện tích trên 60ha. Đặc biệt năm 2020, Sở Nông nghiệp&PTNT đã cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc QR CODE cho hàu giống để giới thiệu về quy trình sản xuất và chứng nhận chất lượng sản phẩm đến người mua. Hàu giống Kim Sơn được dán tem “thông hành” góp phần kiểm soát, quản trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm. Cùng với nuôi trồng thủy sản, việc đánh bắt thủy hải sản xa bờ cũng đem lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân ven biển.

Đoàn công tác của Hội nông dân tỉnh đi thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Thảnh xã Như Hòa

 

Với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã duy trì đà tăng trưởng khá, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển,  bình quân tăng thu nhập đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) 1,5%.

 

Bước sang năm 2021, là năm đầu tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra, ngành Nông nghiệp huyện đặt mục tiêu tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng tái cơ cấu và phát triển bền vững. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp dưới hình thức quy mô tập trung. Chăn nuôi, NTTS theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển con nuôi đặc sản có hiệu quả kinh tế cao…

 

Tin tưởng rằng, phát huy kết quả đã đạt được huyện Kim Sơn tiếp tục có những giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp huyện nhà theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cải thiện đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy sự phát triển KT – XH của địa phương.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 57286

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 67